7 khoản chi tiêu đang lãng phí tiền của bạn
Khi lạm phát kéo giá cả mọi thứ lên cao, điều quan trọng là bạn phải bám sát được chi tiêu. Tuy nhiên, theo thời gian, kể cả những người có ý thức cao nhất về túi tiền cũng có thể cảm thấy mình đang có vài khoản chi nhiều hơn cần thiết.
Dưới đây là 7 bẫy tiền bạc phổ biến nhất, theo các chuyên gia tài chính cá nhân, và cách cắt giảm các chi phí này.
1. Phí ngân hàng
Các khoản như phí rút tiền từ ATM hoặc phí dịch vụ hàng tháng nếu cộng lại cũng có thể tiêu tốn của bạn kha khá tiền trong một năm. Tại Mỹ, theo khảo sát của Bankrate, phí hàng tháng với tài khoản thanh toán không trả lãi năm ngoái là hơn 5 USD. Trong khi đó, phí với tài khoản thanh toán có trả lãi có thể lên tới hơn 16 USD.
Cách giải quyết: Chuyển sang ngân hàng khác. Bankrate cho biết gần nửa số tài khoản thanh toán tại Mỹ không có phí duy trì hàng tháng. Trong nhiều trường hợp, phí này có thể còn lớn hơn lãi bạn được nhận.
2. Đồ giảm giá không cần thiết
Chúng ta không thể phủ nhận niềm vui khi mua được đồ với giá rẻ hơn bình thường. Tuy nhiên, việc mua đồ không cần thiết chỉ vì thấy chúng đang được giảm giá lại là chuyện khác. Thói quen này sẽ ăn mòn túi tiền của bạn rất nhanh.
Cách giải quyết: Mỗi khi muốn mua đồ giảm giá, hãy suy nghĩ trong một ngày đã. Thường thì tâm lý hào hứng muốn mua ban đầu sẽ dần biến mất. Cách này rất hiệu quả để tiết kiệm tiền.
3. Thuê bao các dịch vụ không dùng đến
Một khảo sát năm ngoái của Chase cho thấy hơn 70% người tiêu dùng lãng phí hơn 50 USD mỗi tháng cho các dịch vụ họ không muốn hoặc không cần đến. Trên DealNews, nhà phân tích tiêu dùng Julie Ramhold cho biết mọi người thường đăng ký dùng thử miễn phí, sau đó quên hủy thuê bao khi hết thời gian dùng thử.
"Những khoản này thường được trừ tự động. Mà mọi người thường không nhận ra họ đang trả tiền cho những thứ mình thậm chí không dùng", Ramhold nói, "Đây là cách nhanh nhất để ném tiền ra cửa sổ".
Cách giải quyết: Việc cài đặt thanh toán tự động sẽ giúp bạn không bị tính lãi trả chậm với thẻ tín dụng. Tuy nhiên, đừng vì thế mà quên xem sao kê hàng tháng để hủy những khoản chi không cần thiết.
4. Thức ăn thừa
Theo thống kê của Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên, khoảng 40% thực phẩm tại Mỹ không được dùng đến. Dù lượng thức ăn thừa ở gia đình bạn có thể thấp hơn, khi đi ăn hàng, chúng ta rất dễ bỏ phí đồ.
Cách giải quyết: Hãy xem kỹ tủ lạnh trước khi đi mua đồ. Sau đó, lên thực đơn cho các bữa ăn dựa trên những món đồ bạn đang có sẵn. Cách này không chỉ giúp bạn đảm bảo đồ không bị thiu hỏng, mà cũng hạn chế lãng phí đồ mua mới.
5. Gia hạn bảo hành
Dù việc gia hạn bảo hành với xe hơi, đồ gia dụng và các thiết bị điện tử khác có thể bù đắp chi phí sửa chữa trong tương lai, đây không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt với người tiêu dùng, Ramhold cho biết. Thỉnh thoảng, tiền bảo hành còn vượt tiền sửa chữa đồ, hoặc gói bảo hành không chi trả cho vấn đề bạn gặp phải.
Cách giải quyết: Thay vì mua thêm thời gian bảo hành, hãy cân nhắc tiết kiệm tiền đề phòng cho trường hợp sửa chữa khẩn cấp.
6. Chi phóng tay cho bảo hiểm
Cũng như nhiều dịch vụ khác, phí bảo hiểm nhà và xe hơi thường tăng theo thời gian. Nếu bạn vài năm qua đều mua bảo hiểm ở cùng một nơi, hãy thử cân nhắc xem có công ty nào khác đưa ra gói có giá hợp lý hơn không.
"Khách hàng mới thường có ưu đãi", chuyên gia tiết kiệm tiêu dùng Andrea Woroch cho biết, "Bạn có thể tìm thấy hợp đồng có điều khoản bảo vệ tương tự mà chi phí lại thấp hơn".
Cách giải quyết: Hãy tìm kiếm trên các trang web hoặc hỏi người hiểu biết về vấn đề này. Một cách khác là mua bảo hiểm nhà và xe ở cùng một công ty để được chiết khấu. Woroch cho biết gần đây, cô tiết kiệm được tới 1.100 USD bảo hiểm một năm nhờ áp dụng các cách này.
7. Lãi thẻ tín dụng
Các khoản vay lãi suất cao và lãi suất thẻ tín dụng khiến một hộ gia đình tại Mỹ tốn trung bình 1.000 USD một năm, theo Cục Bảo vệ Tài chính Tiêu dùng Mỹ. Dù thẻ tín dụng là công cụ hữu ích, chúng có thể là gánh nặng đắt đỏ, kéo tụt tài chính của bạn nếu mắc nợ.
Cách giải quyết: Nếu bạn vay nợ, hãy tập trung vào việc trả nợ càng nhanh càng tốt. "Nếu gặp rắc rối với nợ thẻ tín dụng, đây là lúc bạn nên bỏ nó đi và dùng tiền mặt, hoặc thẻ ATM thôi", Ramhold cho biết.
Hà Thu (theo CNN)
Tags:tiết kiệm
chi tiêu
thẻ tín dụng
vay nợ
bảo hiểm
bảo hành
Tư vấn đầu tư tài chính
Tin
Tin cùng chuyên mục