28/10/2024 10:44

Cách tân áo dài thế nào là phù hợp?

Gần đây xu hướng cách tân áo dài đang phát triển ngày càng mạnh mẽ. Bên cạnh việc giữ gìn phong cách truyền thống thì nhiều người trẻ vẫn đang miệt mài sáng tạo, tìm hướng đi mới trong cách tân áo dài. Việc này cũng đặt ra một thử thách đối với thế hệ trẻ trong việc kế thừa và phát huy vẻ đẹp, giá trị của tà áo dài dân tộc.

Cách tân áo dài thế nào là phù hợp?

Những chiếc áo dài cách tân được sáng tạo với cảm hứng mới rất bắt mắt. Ảnh: Xéo Xọ.

Trước khi những thế hệ gen X, Y, Z ra đời, áo dài đã được cách tân không kể số lần. Những sự biến đổi, sáng tạo của người dân ở mỗi thời kỳ chính là sức mạnh giúp cho áo dài tồn tại và phát triển theo thời gian.

Với nhà thiết kế Lê Minh, một thương hiệu áo dài hiện đại thì vẻ đẹp của áo dài nên được lan tỏa nhiều hơn vào cuộc sống thường nhật. “Gần 10 năm phát triển thương hiệu với mong muốn đưa áo dài vào cuộc sống đời thường, tôi mong muốn áo dài sẽ trở thành một lựa chọn trong việc mặc hàng ngày thay vì chỉ mặc trong những sự kiện hay dịp quan trọng. Do đó, việc cách tân áo dài luôn cần hài hòa với không gian sống, cũng như dễ ứng dụng vào các nhu cầu của người mặc” - nhà thiết kế Lê Minh chia sẻ.

Nghệ nhân may áo dài Lê Thị Quyến (phố Lương Văn Can, Hà Nội) - người đã gắn bó với áo dài gần 70 năm kể: “Thời của tôi thì không thấy ai còn mặc áo dài với váy nữa, nhưng theo lời các cụ kể lại thì áo dài trước đây hay mặc với váy. Đến thời của tôi thì mặc với quần, rồi hiện nay thấy lớp trẻ lại mặc với váy”.

Nghệ nhân Lê Thị Quyến cho rằng, vẻ đẹp của áo dài chính là sự thướt tha, mềm mại, kín đáo của người con gái Việt. Vậy nên theo kinh nghiệm của bà, khi lựa chọn các loại vải hay họa tiết trên áo cũng phải thật kĩ lưỡng và tinh tế. Mỗi chiếc áo sẽ phải lựa chọn màu sắc, họa tiết phù hợp với người mặc, làm sao để tôn lên vẻ đẹp mềm mại, duyên dáng nhất của người phụ nữ. “Sự cách tân nào cũng cần hướng đến nét đẹp đó” - theo bà Quyến.

Cách tân áo dài thế nào là phù hợp?

Các loại vải may áo dài rất được ưa chuộng ở thời các bà, các mẹ tại tiệm may Vinh Trạch (phố Lương Văn Can, Hà Nội).

Một số chuyên gia cũng cho rằng, có cách tân, có thay đổi như nào thì khi mặc áo dài cũng cần phải lựa chọn cho phù hợp. Ví như mặc áo dài đến đền, chùa hay những di tích lịch sử, nơi tôn nghiêm thì áo dài cần lịch sự, kín đáo. Bởi cách tân nhưng không có nghĩa là lạm dụng, chỉ nên thể hiện sự phá cách ở nơi công cộng chứ không phải nơi tâm linh, những sự kiện trang trọng.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Giám đốc Bảo tàng Áo dài Việt Nam Huỳnh Ngọc Vân cho biết: Thời xưa, thế hệ chúng tôi được mặc áo dài là đồng phục nữ sinh từ những năm học lớp 6. Hồi đó nhà trường còn mở lớp dạy cách ứng xử với tà áo dài, cách đi đứng, cúi người, với tay như thế nào để toát lên đúng tinh thần của tà áo dài”.

Bà Vân cũng bộc bạch, mặc dù chưa có văn bản nào công nhận áo dài là quốc phục, nhưng trong tâm khảm của người Việt, áo dài luôn là một trang phục mang hồn cốt dân tộc, được trân trọng nâng niu, giữ gìn. Hiện tại, dù không còn là đồng phục nữ sinh, nhưng áo dài vẫn là lựa chọn đồng phục của rất nhiều công ty, hay các trường THPT đều yêu cầu nữ sinh mặc áo dài vào mỗi thứ Hai đầu tuần hoặc những dịp đặc biệt. Nhất là mùa kỉ yếu, áo dài là trang phục không thể thiếu đối với bất kì bạn nữ nào.

“Đừng đùa với điều không nên đùa” - đó là câu trả lời mà bà Vân trả lời vui với phóng viên khi được hỏi về việc thế hệ ngày nay tiếp tục cách tân, đổi mới trang phục truyền thống.

Theo đó, mỗi lần cách tân áo dài là một lần tranh cãi, có người đồng ý, cũng có người phản đối. Đến nay cũng vậy, mỗi năm đều có những trào lưu áo dài khác nhau. Bắt đầu từ những năm rộ lên các sản phẩm cách tân vạt ngắn, cho đến những năm áo dài mặc với váy. Những thay đổi trong lựa chọn các loại vải cũng ngày càng đa dạng.

“Tôi hoan nghênh việc các bạn trẻ ngày càng sáng tạo, biến tấu áo dài để phù hợp với xu thế hiện nay. Nhưng cách tân hay biến đổi kiểu gì thì vẫn phải giữ được những yếu tố cơ bản của áo dài truyền thống, như tà áo, tay áo, cổ áo... Nếu một ngày nào đó mà áo dài cách tân lại không còn tà áo, hay mất đi tay áo thì lúc đó mới đáng trách. Còn nếu cách tân vẫn toát lên được hồn cốt của áo dài truyền thống, thì vẫn được công nhận là sản phẩm phát huy truyền thống” - bà Huỳnh Ngọc Vân nói.

Không phủ nhận việc cách tân áo dài thành những kiểu dáng mới lạ độc đáo hơn, hay thích ứng hơn với những hoạt động thường nhật, xu hướng của giới trẻ hiện nay là hoàn toàn phù hợp, mang lại cơ hội để nhiều bạn trẻ được tiếp xúc với loại trang phục truyền thống này. Những chiếc áo dài cách tân được sáng tạo với những cảm hứng mới đã tạo thành nhiều trào lưu diện áo dài, góp phần phát huy thêm vẻ đẹp của trang phục truyền thống dân tộc.

Tags:

áo dài

Tin cùng chuyên mục