08/06/2022 05:38

Chuyên gia nghĩ khác nhau về nỗi sợ lạm phát

"Tắc nghẽn vốn đầu tư công, chậm bơm vốn ra cho doanh nghiệp vì sợ lạm phát là lãng phí cơ hội. Hoàn cảnh đang không bình thường thì tư duy phải khác thường", ông Trần Đình Thiên nói tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 chiều 5/6.

Bình luận này được Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra trong bối cảnh nỗ lực phục hồi kinh tế sau dịch của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức do áp lực lạm phát gia tăng. Ông cho rằng, Việt Nam đang có nền tảng tốt, kinh tế đang có đà, có thế, có khát vọng, có thể bứt phá nên "không được lãng phí cơ hội này".

Nếu không bơm tiền ra nền kinh tế thì theo ông Thiên, lạm phát vẫn tăng vì đang nằm ngoài ý chí của cơ quan quản lý, nên việc bơm tiền vẫn phải làm.

"Trong điều kiện lạm phát, có thể doanh nghiệp 'thiếu máu', thiếu lực thì sẽ gặp rủi ro. Chúng ta hoàn toàn có thể chủ động sẵn sàng mức lạm phát cao hơn 4% để bơm nguồn lực cho nền kinh tế, kiểu 'lấy độc trị độc'", ông Thiên đánh giá.

Chuyên gia nghĩ khác nhau về nỗi sợ lạm phát

Đồ họa: Tổng cục Thống kê

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bình quân 5 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,25% so với cùng kỳ 2021, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021. Riêng tháng 5, CPI tháng tăng 0,38%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng 4. Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.

Chuyên gia nghĩ khác nhau về nỗi sợ lạm phát

Nhân viên một cửa hàng tại Hà Nội thay bảng giá xăng RON 95 lên 31.570 đồng chiều 1/6, theo điều chỉnh của cơ quan điều hành. Đây cũng là mức cao nhất của giá xăng trong nước. Ảnh: Ngọc Thành

Hồi tháng 5, báo cáo hàng tháng của HSBC dự báo nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi và giá hàng hóa thế giới có xu hướng tiếp tục tăng, nên lạm phát của Việt Nam sẽ tăng lên 3,7% trong năm 2022.

"Áp lực giá nhiều khả năng vẫn sẽ nằm dưới mức trần lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước", nhà băng này nhận định.

Cũng theo ông Thiên, đang có nghịch lý trong dòng chảy vốn công và vốn tư. Nghịch lý là vốn đầu tư công giải ngân chậm nhiều năm còn vốn tư nhân lại hết sức linh hoạt, khả năng bùng nổ cao. Vì nguồn vốn tư nhân bùng nổ thời gian qua nên đôi khi công tác quản lý có những động thái tựa như kiềm chế nó lại. "Nhưng ngăn nguồn vốn tư để mất cơ hội phục hồi kinh tế thì có vấn đề", ông đánh giá.

Trong khi đó, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright cho rằng lạm phát thời điểm này ở Việt Nam chưa lo ngại nhưng tương lai là đáng ngại.

Xét bối cảnh toàn cầu, xung đột Ukraine tạo ra nhiều bất ổn. Hai nền kinh tế Nga và Ukraine có quan hệ thương mại đầu tư và tài chính với Việt Nam nhỏ nên tác động trực tiếp không nhiều. Tuy nhiên, tác động gián tiếp đến giá nhiên liệu, lương thực, gãy chuỗi cung ứng mới đáng chú ý.

Cùng với đó, lạm phát ở châu Âu, Mỹ hiện trên 8% là một mức rất cao với các nước phát triển. Việt Nam hiện thời chưa có lạm phát cao bởi độ trễ của nhập khẩu lạm phát, tăng trưởng GDP chưa cao và nhờ là nước xuất khẩu lương thực thực phẩm trong khi giá mặt hàng này leo thang.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đang không thấp, đến hết tháng 5 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

"Vì vậy, chính sách tiền tệ theo quan điểm của tôi cần thận trọng, không thể nào bung tín dụng ra vì e là hệ lụy không tốt", vị chuyên gia đánh giá.

Ông Vũ Thành Tự Anh xếp lạm phát là một trong 3 áp lực với nền kinh tế lúc này bên cạnh nợ xấu và các yếu tố bên ngoài (như dịch bệnh, chiến sự, lạm phát thế giới, xu hướng thắt chặt tiền tệ). "Tất cả các yếu tố bên ngoài này đang đi cùng hướng là làm giảm tăng trưởng toàn cầu. Chúng ta phụ thuộc nhiều vào kinh tế bên ngoài nên bất kỳ sự suy thoái nào cũng ảnh hưởng đến Việt Nam", ông nói.

Các chuyên gia quốc tế khuyến nghị Việt Nam tiếp tục theo dõi tác động của tình hình lạm phát thế giới. Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng chính sách nới lỏng tiền tệ ở Âu, Mỹ có thể ảnh hưởng đến lãi suất, góp phần khiến giá nhiên liệu cao hơn. Cùng với đó, xung đột Ukraine góp phần tăng sức ép lạm phát, áp lực lên các ngân hàng trung ương, bao gồm cả Việt Nam.

Trong khi đó, Đại diện IMF tại Việt Nam Francois Painchaud, cho rằng Việt Nam chưa vượt qua hẳn các khó khăn mà vẫn có những thách thức như xung đột Ukraine, tình hình chống dịch ở Trung Quốc, lạm phát và các quan ngại trong nước về thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

"Trong bối cảnh này, các chính sách can thiệp rất quan trọng, nhưng cần linh hoạt, Hiện nay chúng ta không có khả năng nới lỏng tiền tệ. Vì vậy, nên củng cố mạnh hơn ngành ngân hàng bằng cách tăng các yêu cầu dự trữ, hoạt động đánh giá và xử lý các tài sản cần theo dõi", ông khuyến nghị.

Viễn Thông

Tags:

lạm phát

CPI

chỉ số giá tiêu dùng

giá xăng dầu

Tin nóng

Chính sách kinh tế

Phân tích

Tin cùng chuyên mục