19/10/2024 09:39

Hai người cha cựu chiên binh đặc biệt

Giữa biết bao nhiêu sự sống trên thế giới, cha và con gái đã tìm được nhau một cách đầy phép màu và kỳ diệu, đó có lẽ đã là điều tuyệt vời nhất. Thế nên, tình cha con đôi khi không chỉ xuất phát từ máu mủ, huyết thống mà còn từ chính tình người.

Tình phụ tử, thứ tình cảm mà không gì có thể thay thế được trong cuộc sống bởi dù bất kỳ hoàn cảnh nào, tình cảm ấy cứ như một ngọn lửa mãnh liệt hay một phần của dòng máu khiến cho nó không thể nào phai nhòa.

Tình phụ tử là sự gắn bó tình cảm giữa cha và con, là tình yêu thương, sự hy sinh thầm lặng của người cha dành cho đứa con cũng như là sự tôn trọng, hiếu thảo của người con đối với người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng mình.

Thế nhưng đôi khi, cũng có những tình cảm cha con thật đặc biệt - tình cha con vượt qua mọi rào cản huyết thống, vẫn cháy bỏng yêu thương dẫu chẳng phải là ruột thịt. Dường như giữa biết bao nhiêu sự sống trên thế giới, cha và con gái đã tìm được nhau một cách đầy phép màu và kỳ diệu, đó có lẽ đã là điều tuyệt vời nhất.

Những dòng cảm xúc cha con thiêng liêng ấy đã được tác giả Thu Nguyễn (Hà Tĩnh) gửi gắm tới cuộc thi viết “Cha và con gái” thông qua tác phẩm “2 người cha đặc biệt của tôi”.

Kể về 2 người cha của mình, tác giả Thu Nguyễn chia sẻ cha ruột của cô là cựu chiến binh trên chiến trường Quảng Bình, trong khi đó, người cha đỡ đầu lại là cựu lính Thuỷ quân lục chiến Mỹ từng tham chiến ở Quảng Trị năm 1969.

Hai người cha cựu chiên binh đặc biệt

Tác giả Thu Nguyễn dự đám cưới cha đỡ đầu Manus Campbell (ngoài cùng bên phải)

Nhớ lại lần đầu gặp gỡ người cha đỡ đầu của mình, tác giả viết: “Hơn chục năm trước, nhờ mối lương duyên đặc biệt, tôi tình cờ gặp Manus Campbell (SN 1947) - cựu lính Thuỷ quân lục chiến Mỹ từng tham chiến ở Quảng Trị năm 1969. Lúc biết tôi là con gái của một cựu binh Việt, Manus rất ngạc nhiên. Khi trở nên thân thiết, ông lặng lẽ tìm mua sách tiếng Anh tặng tôi, kiên nhẫn sửa từng lỗi phát âm, lắng nghe tâm sự chuyện tình cảm... Không có con cái, ông đối xử với tôi như con gái mình và luôn giữ khoảng cách rất đúng mực. Bao năm trôi qua, tôi luôn trân trọng gọi ông là cha đỡ đầu với nhiều thiện cảm tốt đẹp”.

Tác giả Thu Nguyễn chia sẻ, trước khi gặp người cha Manus Campbell, cô gái trẻ 20 tuổi lúc đấy có không ít thành kiến với những cựu chiến binh Mỹ bởi cô cho rằng vì những người lính ấy, cha ruột của cô đã phải đánh đổi 10 năm thanh xuân ở chiến trường.

Thế nhưng, chính bản thân cô cũng không ngờ cuộc gặp gỡ định mệnh với người cựu chiến binh Mỹ ấy đã thay đổi cuộc đời cô từ cách nghĩ đến cách hành xử. Người cựu chiến binh Mỹ vừa trở thành người cha tinh thần đồng thời là người bạn, giúp cô hiểu thêm về chính cha ruột của mình.

“Manus tâm sự, mảnh giấy gọi nhập ngũ đã đẩy chàng trai trẻ tuổi 19 phải rời gia đình, quê hương đến Việt Nam chiến đấu. Không còn chọn lựa nào khác, ông phải đi. Thì ra, người lính Mỹ cũng như lính Việt, ai cũng có riêng mình một gia đình để trở về, một quê hương trong nỗi nhớ” - tác giả viết.

Bản thân người cha đỡ đầu của tác giả từng phải chịu hội chứng PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn). Đây là hội chứng khá phổ biến của lính Mỹ sau chiến tranh.

Chính điều này khiến cô nhận ra, người lính trở về từ chiến tranh đôi khi không phải chịu đựng nỗi đau thể xác mà còn cả những vết thương về tinh thần. Và phải chăng, chính cha ruột cô cũng phải chịu những tổn thương tinh thần mà cô chẳng hề hay biết.

Nhắc đến cha ruột, tác giả Thu Nguyễn chẳng thể nào quên những mảng ký ức vui buồn đan xen suốt thời thơ ấu của mình. Đó là những lần cùng cha rong ruổi khắp những cánh đồng vàng mùa gặt, những phiên chợ Tết rực rỡ sắc màu, những cung đường biển ngập nắng: “Cha chở con gái đi qua bốn mùa, trải qua đủ vị nắng vị mưa, vị thời gian”.

Thế nhưng, cũng không ít lần tình cảm cha con xa cách bởi “ma men”: “Rượu khiến cha từ người đàn ông hiểu chuyện trở nên giận dữ, đáng sợ trong mắt tôi”.

Giữa những tháng ngày lúc tỉnh lúc say, cha ruột của cô thường kể về những ngày tháng gian khó ở quân ngũ, những lần trú bom trong hang động tối tăm ở chiến trường Quảng Bình, hay mối tình chỉ quen và cưới vẻn vẹn một tuần để kịp ra chiến trường với mẹ tác giả.

“Mười năm sống trong tiếng mưa bom bão đạn, thỉnh thoảng trong cơn mê đêm cha lại giật mình tỉnh giấc. Sáng ra, đôi mắt cha màu đỏ. Chuyện đời lính dài như một đời người” - tác giả bộc bạch.

Hai người cha cựu chiên binh đặc biệt

Hai người cha của tác giả trong cuộc gặp gỡ tại Hà Tĩnh

Kỷ niệm lớn nhất của tác giả Thu Nguyễn với cả 2 người cha có lẽ là giây phút hai người đàn ông từng ở hai đầu chiến tuyến gặp nhau. Ngày Manus về thăm Hà Tĩnh, cha ruột của tác giả ra tận cổng đón, nhiều cựu binh trong làng cũng kéo đến chơi: “Xung quanh, mấy cựu binh tóc đã ngả muối tiêu cùng nhau tâm sự. Họ kể lể, họ ca lại bài ca cũ từng nghe trên radio cũ thời chiến, họ trêu ghẹo nhau. Họ cùng cười. Thỉnh thoảng, có người lau vội nước mắt”.

Sau đó, hai người còn cùng nhau thăm lại chiến trường xưa Quảng Bình nơi từng in dấu chân hành quân của cha ruột cô.

Dường như, trong cuộc gặp gỡ của họ đã chẳng còn phân chia biên giới, chẳng còn lằn ranh chiến tuyến mà đọng lại chỉ là tình người. Những người lính từng dành tuổi thanh xuân, cùng từng đổ máu, mồ hôi, nước mắt trên chiến trường năm ấy nên có lẽ họ dễ dàng thấu hiểu nhau hơn bao giờ hết, mặc dù không chung ngôn ngữ.

Câu chuyện của họ tưởng chừng là một di sản bị lãng quên khi chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm nhưng giờ đây lại được gắn kết bởi cô con gái chung. Giờ đây, người cha đỡ đầu của tác giả cũng đã tìm được bến đỗ bình yên ở đất nước hình chữ S cùng một phụ nữ Việt. Trong khi đó, cha ruột cô cũng chủ động cai rượu, sức khoẻ tốt hơn. Có lẽ vì thế mà đối với tác giả, tình cảm cha con dù là ruột thịt hay không cũng đều thật đáng trân trọng: “Trong hành trình trưởng thành, tôi may mắn có hai người cha - hai người cựu binh, họ đã mở thêm cho tôi nhiều bài học và góc nhìn mới về cuộc sống”.

Thể lệ cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái" lần thứ 2 năm 2024Yêu cầu đối với bài dự thi

- Bài dự thi phải là những bài viết chưa đăng phát trên bất kỳ phương tiện truyền thông báo, đài hay mạng xã hội và chưa tham gia dự thi ở các cuộc thi khác. Viết về những câu chuyện có thật do tác giả là nhân vật hoặc người chứng kiến, những kỷ niệm, lời tâm tình, tự sự của cha dành cho con gái và ngược lại được thể hiện dưới dạng bài ghi chép, phóng sự, phỏng vấn, tản văn, nhật ký… Ban tổ chức khuyến khích các tác giả sử dụng hình ảnh thật của các nhân vật trong bài dự thi.

- Bài viết thể hiện bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi và phải chịu trách nhiệm về độ chân thực, tính chính xác về nội dung. Cấm sao chép, đạo văn của người khác dưới mọi hình thức.

- Bài dự thi được chọn đăng trên Tạp chí Gia đình Việt Nam sẽ được trả nhuận bút theo quy định và thuộc sở hữu của tòa soạn; tác giả không có quyền khiếu nại về bản quyền.

Đối tượng dự thi: Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước trừ những người là nhân sự của Ban Tổ chức, Ban giám khảo, các đơn vị tài trợ, đồng hành cùng cuộc thi.Thời gian và địa chỉ nhận bài dự thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 27/03/2024 đến ngày 10/06/2024 tính theo dấu bưu điện và thời gian nhận mail. Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2024.

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam. Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected]Giải thưởng

Cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2 năm 2024 có cơ cấu giải thưởng gồm: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba, 05 giải khuyến khích và 05 giải phụ.

Ngoài giải thưởng tiền mặt, các tác giả đạt giải còn được nhận giấy chứng nhận của Ban Tổ chức, được tặng 01 quyển sách có đăng các bài dự thi cùng quà (nếu có) của nhà tài trợ.

Ban Giám khảo cuộc thi

- Nhà thơ Hồng Thanh Quang - Trưởng ban giám khảo

- Nhà thơ Trần Hữu Việt - Vụ trưởng, Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Báo Nhân Dân

- Nhà văn Nguyễn Một

- Nhà văn, nhà báo Võ Hồng Thu - Báo Tiền phong

Thông tin chi tiết về cuộc thi xin liên hệ

- Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

+ Nhà báo Phan Khánh An - Tổng TKTS, Thành viên Ban tổ chức. Số điện thoại: 0975.470.476

+ Ms Bùi Thị Hải Én - Cán bộ toà soạn. Số điện thoại: 0973.957.126

- Email: [email protected].

Phương Anh

Tags:

cha và con gái

Cha và con gái lần thứ 2

thể lệ cuộc thi Cha và con gái

Tin cùng chuyên mục