Quyết tâm đưa ‘báu vật của rừng’ có sức cạnh tranh trên toàn cầu
Quảng Nam đã trình Thủ tướng phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045. Đây được xem là bước đi trong hành trình đưa “báu vật của rừng” trở thành ngành công nghiệp, đủ sức cạnh tranh trên thế thế giới.
Đưa sâm Ngọc Linh thành ngành công nghiệp
Trao đổi với PV. VietNamNet, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết: Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030 và định hướng 2045 là chương trình lớn, mang tầm quốc gia với sự tham gia của nhiều tỉnh có tiềm năng, thế mạnh về phát triển cây sâm nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, bảo tồn nguồn gen sâm Việt Nam có phân bố trong rừng tự nhiên với diện tích khoảng 100 ngàn hecta tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Nghệ An, Lai Châu gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; tuyển chọn được giống sâm Việt Nam có năng suất, chất lượng cao; cung cấp được tối thiểu 80% cây giống có chất lượng đạt chuẩn; ứng dụng công nghệ hiện đại, từng bước phát triển nguồn giống vô tính vào sản xuất ở quy mô hàng hóa nhằm tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng.
Ngày hội sâm Ngọc Linh 2022 tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam)
Đồng thời, phát triển nhanh các vùng nguyên liệu tập trung, bao gồm: tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai và tỉnh Lai Châu, đưa diện tích trồng sâm tập trung năm 2030 đạt khoảng 22.000 ha. Về sản lượng, sản lượng khai thác sâm từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm (tương đương diện tích khai thác 1.000 ha/năm), có chất lượng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GMP - WHO hoặc tương đương.
Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương liên quan triển khai các hoạt động từ tháng 4-10/2022 và đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045.
Đến nay, Chính phủ đang xem xét và dự kiến sẽ phê duyệt trong năm 2023.
- Cách đây một năm ông có chia sẻ, công cuộc đưa sâm Ngọc Linh của tỉnh thành ngành công nghiệp, cạnh tranh trực tiếp với sâm Hàn Quốc. Lộ trình này đã có những bước đi cụ thể thế nào, thưa ông?Ông Hồ Quang Bửu: Để đưa sâm Ngọc Linh của Quảng Nam thành ngành công nghiệp, cạnh tranh trực tiếp với sâm Hàn Quốc là kỳ vọng, là đích đến. Tuy nhiên, để thực hiện được tham vọng này, đòi hỏi phải có sự quan tâm của nhiều ngành, địa phương và tầm quốc gia. Bởi chúng ta biết, sâm Hàn Quốc đã phát triển và xây dựng thương hiệu trên thị trường đã hơn 100 năm nay.
Sâm Ngọc Linh có giá trị rất lớn trên thị trường
Chúng tôi mới bắt đầu nên sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Song với quan điểm đi chậm, chắc, bền vững, thời gian qua UBND tỉnh đã có những đề xuất, nỗ lực để đưa tham vọng này sớm trở thành hiện thực.
Điển hình là tham gia đề xuất xây dựng Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030 và định hướng 2045; đề xuất Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương xây dựng Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực; tổ chức hội thảo “Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia” với sự tham dự của chủ tịch nước và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh về lĩnh vực sâm Ngọc Linh và dược liệu lớn của các nước...
Tỉnh cũng đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh. Trên cơ sở đó, sẽ tạo hành lang pháp lý đảm bảo nhằm giúp người dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư hơn nữa để tạo vùng nguyên liệu rộng lớn phục vụ cho Trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam.
Đây là những bước đi đầu tiên trong hành trình đưa sâm Ngọc Linh trở thành ngành công nghiệp, đủ sức cạnh tranh với các loại sâm có giá trị trên thế giới, chứ không chỉ riêng sâm Hàn Quốc.
Đi chậm, chắc và bền vững…-Trong thời gian chờ Chính phủ phê duyệt, các tỉnh có nguồn dược liệu quý này có kế hoạch thế nào để vừa mở rộng và làm mới kế hoạch sẽ cạnh tranh trên thị trường quốc tế?
Các tỉnh có tiềm năng đã tập trung nguồn lực, xây dựng các cơ chế chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng diện tích; đầu tư áp dụng khoa học công nghệ, thu hút đầu tư,... Qua đó, làm tiền đề cho việc triển khai đồng bộchương trình (sau khi được Chính phủ phê duyệt).
Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045 dự kiến được phê duyệt vào năm 2023
- Ông có lo lắng, nếu thời gian xem xét kéo dài sẽ ảnh hưởng đến lộ trình đưa cây sâm Ngọc Linh của tỉnh thành ngành công nghiệp? Giải pháp để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng mang thương hiệu sâm Ngọc Linh xuất hiện rất nhiều hiện nay?
Việc trình Chính phủ xem xét ban hành đã có lộ trình cụ thể, song cũng không phải vì áp lực thời gian mà phải ban hành sớm. Với quan điểm đi chậm, chắc và bền vững, tôi tin rằng Chính phủ sẽ ký ban hành chương trình vào thời điểm thích hợp, khi đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn và các quy định hiện hành.
Về giải pháp để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, UBND tỉnh đã có nhiều cuộc họp bàn để đưa ra những giải pháp chấn chỉnh phù hợp. Trước mắt, giao địa phương và các đơn vị liên quan (công an, quản lý thị trường,... ) tăng cường công tác kiểm tra giám sát, phát hiện sớm tình trạng này để có biện pháp xử lý phù hợp; đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho người trồng sâm để có những thông tin, kiến thức nhất định để tránh mua và sử dụng sâm Ngọc Linh kém chất lượng.
Ngoài ra, tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân đăng ký “Chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh”, mã số vùng trồng để đảm bảo việc xác định nguồn gốc xuất xứ của cây sâm cung ứng trên thị trường. Đây cũng là giải pháp căn bản để hạn chế tình trạng này.
- Cảm ơn ông!
Những củ sâm Ngọc Linh tiền tỷ, bằng cả gia tài
Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý hiếm, được mệnh danh là “vua’ của các loài sâm. Có những củ sâm Ngọc Linh có tuổi đời tới hàng trăm năm, có giá tới hàng tỷ đồng.
Tâm tư người giữ ‘báu vật’ trên đỉnh Ngọc Linh
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn đã gắn bó với vườn sâm Tắk Ngo 7 năm nay. Với anh, thời gian ở rừng còn nhiều hơn ở nhà và việc trông giữ cây sâm Ngọc Linh không khác chăm con mọn.
Sâm Ngọc Linh tạo nên 'làng tỷ phú' giữa đại ngàn
Nhờ trồng sâm mà xã Trà Linh ở huyện vùng cao Nam Trà My đã có những “làng tỷ phú” giữa đại ngàn.
Tết quý mão
Tags:bấu vật của rừng
sâm ngọc linh
Quảng Nam
sâm việt nam
dược liệu
sâm Hàn Quốc
Tin cùng chuyên mục