Trung Quốc, Mỹ, Nhật đua nhập cua ghẹ Việt Nam
Một tháng nay, nhiều cửa hàng cho biết các loại cua ghẹ kích cỡ lớn trên 500 gram một con rất khan hiếm vì thương lái thu gom xuất khẩu hết.
Anh Hoàng - người chuyên bán đặc sản Cà Mau - cho hay giá cua tại vuông (nơi nuôi trồng) hiện lên 400.000-600.000 đồng một kg, tăng 20% so với tháng trước. Giá cao, khách lại liên tục hỏi mua loại cua hai con một kg nhưng không có hàng để bán.
Khảo sát tại các cửa hàng hải sản khác ở TP HCM cũng cho thấy giá cua thịt loại hai con một kg được bán lẻ 900.000 đồng. Đây là mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay.
Không chỉ cua, anh Thái, chủ cửa hàng hải sản trên đường Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp), TP HCM thông tin, ghẹ xanh loại 3-5 con một kg hiện cũng rất khan hàng. "Mỗi ngày, cửa hàng tôi chỉ nhập được 3-5 kg, giá bán lên đến 800.000 đồng một kg", anh nói.
Cua loại 1 tại vuông nuôi ở Cà Mau. Ảnh: Chí Lâm
Anh Thái cho rằng giá cua và ghẹ tăng mạnh do nguồn cung giảm, trong khi các nước tăng nhập khẩu. "Hiện, các dòng cua ghẹ có kích cỡ lớn đa phần được ưu tiên xuất khẩu nên trong nước khá khan hàng", anh chia sẻ.
Số liệu từ VASEP cho thấy đến 15/7, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam đạt trên 111 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Bốn thị trường nhập khẩu cua ghẹ hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Pháp, chiếm hơn 92% tổng giá trị xuất khẩu và tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, đến 15/7, xuất khẩu cua ghẹ sang Trung Quốc tăng mạnh nhất với mức 76%, đạt 37 triệu USD. Đây là thị trường nhập cua ghẹ lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ. Giai đoạn này, Mỹ nhập cua ghẹ của Việt Nam trên 38 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo sau là thị trường Nhật Bản và Pháp lần lượt nhập cua ghẹ tăng 51% và 60% so với cùng kỳ 2021. Hiện Nhật là nước nhập nhiều cua ghẹ của Việt Nam nhất trong khối thị trường tham gia Hiệp định CPTPP. Còn Pháp dẫn đầu trong khối EU về nhập cua ghẹ Việt Nam.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam - VASEP, việc thế giới ngày càng chuộng của ghẹ của Việt Nam đã khiến xuất khẩu mặt hàng này tăng trưởng đồng loạt ở các thị trường dẫn đầu. Ngoài ra, Mỹ, Trung Quốc, Pháp đã mở cửa hoàn toàn trở lại sau 3 năm bị ảnh hưởng Covid-19 nên hoạt động xuất khẩu dễ dàng hơn.
Cơ quan này dự báo, nửa cuối năm khi nhu cầu các dịp lễ lớn như Noel, Tết Nguyên Đán kéo dài, giá cua xuất khẩu sẽ còn biến động và giá trị xuất khẩu cũng sẽ tăng mạnh.
Thi Hà
Tags:cua ghẹ
Giao dịch mua bán
sáp nhập
đầu tư
xuất khẩu nông sản
thủy sản
nông sản Việt
Bối cảnh
Tin cùng chuyên mục